Trả lại đúng “nhiệm vụ” cho cái cống
Thực tế, ngay từ khi có được chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhóm tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Cần Thơ đã đưa ra rất nhiều ý kiến phản bác việc đầu tư HTTL Cái Lớn - Cái Bé. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra hàng loạt những hiện tượng tác động tiêu cực của các công trình ngăn mặn hiện có tại khu vực Bán đảo Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cụ thể như chuyển đổi sản xuất, sự thay đổi đặc điểm nguồn nước, thay đổi nguồn lợi thủy sản, thay đổi chất lượng đất, thay đổi về sinh cảnh thực vật, thay đổi điều kiện giao thông thủy, thay đổi văn hóa - xã hội, tính kém hiệu quả kinh tế công trình… Từ đó, nhóm nghiên cứu này đã đề nghị tạm ngưng thực hiện DA HTTL Cái Lớn - Cái Bé.
Tuy nhiên, nhìn nhận DA này dưới góc độ một chuyên gia về thủy lợi, GS Tô Văn Trường, người đã có rất nhiều năm gắn bó với ngành thủy lợi, cho biết: “Tôi đã đọc báo cáo của nhóm tác giả ở Đại học Cần Thơ thấy rõ đó là các ý kiến tâm huyết, nhiệt thành phản biện trong việc đánh giá, nêu ra những vấn đề liên quan DA với quan điểm về sinh thái, môi trường về DA cống Cái Lớn - Cái Bé. Trước hết, phải khẳng định, mọi quan điểm, phản biện hay góp ý cho DA Cái Lớn - Cái Bé đều hữu ích cho DA. Nó thể hiện sự khách quan nhìn nhận của các nhà khoa học, các chuyên gia quan tâm, nghiên cứu về vùng ĐBSCL”.
Theo GS Trường, trong báo cáo của nhóm tác giả Cần Thơ đã nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, sinh thái, sinh kế của nhân dân vùng DA. Và mọi đánh giá đều dẫn dắt theo quan điểm về sự không đồng tình, ủng hộ DA này. Rất tiếc là quan điểm xuyên suốt của nhóm chuyên gia là nhìn nhận DA được thực hiện với quan điểm ngọt hóa vùng Bán đảo Cà Mau như đã từng có đề xuất trước đây với mục đích là gia tăng sản xuất lương thực mà trọng tâm là lúa. Do đó, các đánh giá của các chuyên gia luôn nhìn nhận các đề xuất của DA là công trình cống dẫn đến ô nhiễm môi trường, thay đổi hệ sinh thái. Trong khi đó, tư tưởng chủ đạo của DA này lấy nguồn nước và hệ sinh thái của nó làm nền tảng để đề xuất định hướng sản xuất, các giải pháp nêu ra chỉ nhằm hỗ trợ/giúp sản xuất trong vùng chủ động hơn trong bối cảnh hiện tại, tương lai có xét đến biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng cũng như các tác động của thượng nguồn. Bên cạnh đó, xem xét đến sự chủ động đối với phòng, chống thiên tai.
GS Tô Văn Trường cho rằng, bất cứ hạng mục công trình nào thực hiện xây dựng trên sông đều có mặt lợi và mặt hại, các nhà quản lý mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra được những lý lẽ thuyết phục về những mặt lợi - hại đó để xem xét cân nhắc đầu tư cái mà hiện nay ngay cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa thể chỉ ra hết được. Mặt khác, báo cáo phản biện của nhóm chuyên gia Đại học Cần Thơ có xu thế khuyến khích “tự cung, tự cấp” để người dân tự thực hiện, tự tác động vào môi trường tự nhiên, điều này cần phải xem xét đối chứng lại với chủ trương liên kết vùng, chuỗi giá trị của sản phẩm, hiện đại hóa,…
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng: “Chúng tôi mong mỏi DA này cả hàng chục năm rồi. Chỉ khi nào có nguồn nước ổn định thì mới có thể yên tâm tính đến chuyện tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp”.
Thực tế, Hậu Giang là một trong những địa phương bị ảnh hưởng rất lớn từ BĐKH tại vùng Bán đảo Cà Mau và HTTL Cái Lớn - Cái Bé sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất và TCC nông nghiệp của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đồng cho rằng: “Hãy trả lại đúng “nhiệm vụ” của HTTL Cái Lớn - Cái Bé, nó chỉ là cái cống và việc điều tiết, sử dụng nó như thế nào cho phù hợp”.
Lũ, mặn là tài nguyên chỉ khi ta sử dụng được nó
Vùng ĐBSCL hiện đang là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Chính phủ, hiện vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lực tái tạo… nhưng hằng năm đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Nhưng ĐBSCL đang là một trong năm khu vực trên thế giới chịu tác động lớn nhất của BĐKH.
Hằng năm Chính phủ đã phải hỗ trợ rất lớn nguồn kinh phí từ ngân sách, quỹ hỗ trợ của thế giới để tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa những tác động của BĐKH. Mới đây, trước tình trạng sạt lở nặng xảy ra hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2018 cho các địa phương vùng ĐBSCL. Đặc biệt, đứng trước hiện tượng cực đoan của BĐKH tại vùng ĐBSCL đang có nguy cơ gia tăng thiệt hại cho người dân trong vùng. Ngay năm 2016, tình trạng hạn mặn và nước mặn xâm nhập vào sâu đã để lại hậu quả rất nặng nề, thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng tại hàng loạt các tỉnh, thành phố và ảnh hưởng đến hoa màu, vụ lúa của người dân kéo dài trong nhiều năm.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho rằng: “Hiện nay ĐBSCL đang phát triển không bền vững. Trong nông nghiệp cần phát triển từ lượng sang chất, từ độc canh sang chuyên canh thì mới có thể giàu được. Cần phải chủ động thích ứng với BĐKH. Do đó, cần phải chủ động quản lý, kiểm soát nguồn nước thì mới có thể chủ động được, mới có thể TCC, phát triển nông nghiệp được. Điều tiết lũ, kiểm soát mặn là hai mục tiêu quan trọng. Trong đó, đầu tư HTTL Cái Lớn - Cái Bé là khép kín khu vực Biển Tây và Bán đảo Cà Mau.
Trong khi đó, GS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi (nguyên Thứ trưởng NN&PTNT), thành viên tổ tư vấn của Chính phủ về quy hoạch vùng ĐBSCL cho rằng: “Mùa nước lũ, nước mặn đều là nguồn tài nguyên từ thiên nhiên nhưng ta phải sử dụng được nó thì mới có thể thực sự là tài nguyên”.
Theo GS Học, thuận theo tự nhiên là điều tất yếu, nhưng thuận như thế nào? Như hiện nay tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, hậu quả sẽ hết sức nặng nề nếu không chủ động có các giải pháp ứng phó bài bản, kịp thời, hiệu quả.
Với vai trò là nguyên Trưởng Ban phát triển vùng Bán đảo Cà Mau, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân đã chỉ ra hàng loạt những sai sót trong bản thuyết trình đầu tư DA HTTL Cái Lớn - Cái Bé và đồng thời chỉ ra những thất bại của một số công trình thủy lợi tại vùng ĐBSCL, vùng Bán đảo Cà Mau.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: “Để đi đến kết luận có đầu tư hay không đầu tư DA thì cần chứng minh rõ tính cấp thiết và đầu tư không hối tiếc”.
Trước những băn khoăn của nhà khoa học, ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng NN&PTNT Hoàng Văn Thắng ghi nhận và cho rằng: “Tất cả các đóng góp của nhà khoa học là rất thiết thực để hoàn thiện hơn cho việc đầu tư DA HTTL Cái Lớn - Cái Bé. Thực tế, chỉ cần xem xét riêng về tình hình thiên tai hằng năm thôi thì đã phải thực hiện DA này rồi”.
Liên kết giải trí trực tuyến Money Tree