Thương mại hóa 5G vào năm 2020
Kết quả thực hiện kết nối chính thức đầu tiên trên mạng 5G của nhà mạng Viettel cho thấy, tốc độ kết nối thực tế đạt 1,5 đến 1,7 Gb/giây, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của mạng cáp quang thương mại hiện nay. Ðây là tiền đề quan trọng để tiến tới thương mại hóa công nghệ mới này trong năm 2020 theo đúng kế hoạch Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đề ra. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Ðức Thắng chia sẻ: Trong năm nay, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để lấy nguồn thông tin đầu vào giúp Bộ TT và TT đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí: vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa hay khả năng tương thích giữa thiết bị 5G với kết cấu hạ tầng hiện tại. Ðến năm 2020, sẽ thương mại hóa công nghệ này tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ban đầu cung cấp dịch vụ mạng băng rộng di động nâng cao (eMBB); sau đó, dần mở rộng ra phạm vi cả nước trong các năm tiếp theo. Cũng theo ông Thắng, 5G không đơn giản là được nâng cấp từ các công nghệ cũ mà thật sự là cuộc cách mạng cho các dịch vụ kết nối. Do vậy, chiến lược triển khai sẽ không giống như 4G trước đây là đồng thời rộng khắp trên toàn quốc. Thay vào đó, trước hết sẽ định hướng vào những nơi có lưu lượng sử dụng cao hoặc những khu vực cần thay thế cho mạng cáp quang.
Việc thử nghiệm thành công kết nối mạng 5G đã giúp Việt Nam có bước tiến dài trên bản đồ ICT thế giới, đồng thời cũng đưa Viettel tạm thời vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua đầy gay cấn giữa các nhà mạng trong nước. Trước sức "nóng" ngày càng tăng, hai nhà mạng lớn còn lại là VNPT và Mobifone cũng đang nỗ lực đẩy nhanh việc triển khai 5G. Là nhà mạng thứ hai được cấp phép thử nghiệm 5G vào tháng 4 vừa qua, hiện nay Mobifone cũng đang gấp rút làm việc với các đối tác để chuẩn bị kỹ thuật sẵn sàng cho quá trình thử nghiệm. Ðại diện Mobifone cho biết: Nhà mạng này sẽ triển khai thử nghiệm 5G tại bốn thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; cung cấp dịch vụ thử nghiệm 5G miễn phí cho khách hàng với các ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao. Về phía VNPT đã hoàn tất công tác chuẩn bị, trình Bộ TT và TT xin được cấp phép thử nghiệm 5G cho mạng Vinaphone. Trước đó, VNPT cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với Tập đoàn Nokia để cùng thiết lập phòng nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Hai bên sẽ cùng hợp tác thử nghiệm ngay khi được Bộ TT và TT cấp phép.
Hướng tới làm chủ công nghệ
Công nghệ 2G đã mở ra kỷ nguyên kết nối cho các thiết bị di động, 3G giúp điện thoại di động kết nối in-tơ-nét, còn 4G giải phóng sức mạnh của các thiết bị di động thông minh (smartphone). Có thể thấy, các công nghệ này đã làm thay đổi cuộc sống của nhân loại. Còn với 5G, điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Công nghệ này có khả năng cung cấp băng thông kết nối gấp tới 50 lần của cả 2G, 3G và 4G cộng lại; có tốc độ siêu cao và độ trễ cực thấp, gần như thời gian thực. Công nghệ này còn được tính toán bảo mật ngay trong giai đoạn thiết kế cho nên sẽ an toàn hơn nhiều so với các công nghệ thế hệ trước. Do vậy, 5G sẽ là một tương lai hoàn toàn mới, nơi mà tất cả mọi người đều được kết nối với in-tơ-nét ở mọi lúc, mọi nơi, chia sẻ dữ liệu cực nhanh với tốc độ như dùng cáp quang mà không bị gián đoạn. Ðặc biệt, 5G còn tạo ra kết nối in-tơ-nét cho vạn vật (internet of things - IOT) ở quy mô lớn. Với 5G, sức mạnh kết nối sẽ được phát huy cao nhất tiềm năng và mọi vật đều có thể "lên tiếng".
Là nền tảng cho việc kết nối, 5G sẽ giúp nâng cao lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với việc thúc đẩy số hóa tất cả các ngành như sản xuất, vận tải, nông nghiệp, năng lượng, y tế và giáo dục,... Vì vậy, bằng việc sớm mang dịch vụ 5G đến Việt Nam, các nhà mạng đang xây dựng một nền tảng đổi mới sáng tạo cho CMCN 4.0, góp phần tạo nên làn sóng phát triển kinh tế - xã hội mới. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Từ 2G đến 5G, chúng ta đã nhìn thấy sự di chuyển về làm chủ công nghệ từ châu Âu sang châu Á. Những ngày đầu của 2G, không có nhà cung cấp thiết bị nào ở châu Á. Nhưng hiện nay, các nhà cung cấp thiết bị 5G hầu hết đều là những công ty của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Với tư cách là một quốc gia hội nhập toàn cầu, chúng ta cần phấn đấu sẽ không chỉ tiêu dùng công nghệ của nhân loại, mà còn phải sáng tạo công nghệ, góp phần vào sự phát triển công nghệ của thế giới. Việt Nam đã sản xuất được thiết b??? 4G cho nên mục tiêu sắp tới phải sản xuất được tất cả các loại thiết bị viễn thông, trong đó có thiết bị 5G. Các nhà mạng viễn thông phải nhìn thấy sứ mệnh mới đối với quốc gia. Ðó là xây dựng hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin phục vụ cho chuyển đổi số, cho một "Việt Nam số".